Tin tức

Xử lý tai nạn phòng thí nghiệm

A. Sơ cứu

   Áp dụng cho các trường hợp thương tích nhẹ hoặc xử lý tạm thời trước khi chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

1. Bỏng

   Bỏng do vật nóng

- Bỏng nhẹ: Lấy vải màn (gaze) tẩm dung dịch acid picric đắp lên vết bỏng một thời gian rồi bôi vaseline, băng lại.

- Bỏng nặng: Đắp nhẹ vải màn tẩm dung dịch acid picric lên vết bỏng, sau đó đưa đi bệnh viện. Tránh băng chặt và tránh dùng vaselin hay thuốc mỡ.

   Lưu ý: Vết bỏng nặng không phải là vết bỏng sâu mà là vết bỏng có diện tích lớn, nạn nhân dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc và mất nước.

    Bỏng do hóa chất

   Đầu tiên cần rửa trôi hóa chất khỏi da bằng cách ngâm vết bỏng vào chậu nước hoặc để vết bỏng dưới vòi nước chảy thật nhẹ. Sau đó trung hòa hóa chất như sau:

- Bỏng do acid: Đắp vải màn tẩm dung dịch natri bicarbonat 8%.

- Bỏng do kiềm: Đắp vải màn tẩm dung dịch acid boric 3%.

IMG_256

Hình 1. Rửa vết bỏng dưới vòi nước

2. Tai nạn về mắt

   Để tránh tai nạn, sinh viên phải đeo kính bảo hộ khi thực tập. Nếu tai nạn về mắt xảy ra, sau sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bác sĩ nhãn khoa để khám kỹ.

- Acid hoặc kiềm bắn vào mắt: Rửa mắt dưới vòi nước, cho nước chảy qua mắt trong 15 phút. Hoặc sử dụng vòi rửa mắt.

IMG_256

Hình 2. Rửa mắt dưới vòi nước     

- Mảnh thủy tinh hay vật sắc nhọn bắn vào mắt: Lập tức để nạn nhân nằm ngửa và giữ cho mắt mở trong khi đưa đến bác sĩ nhãn khoa.

3. Thương tích

- Vết thương nhẹ: Dùng kẹp đã tiệt trùng lấy vật bén nhọn ra khỏi vết thương. Rửa vết thương bằng nước oxy già. Chấm vết thương bằng thuốc đỏ rồi băng lại bằng vải màn.

- Vết thương nặng: Rửa nhanh vết thương bằng nước oxy già, băng tạm vết thương rồi chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

- Trường hợp xuất huyết nhiều: Băng vết thương thật chặt, dùng khăn tay hay băng vải buộc garrot trên vết thương (giữa vết thương và tim). Chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

4. Ngộ độc

Trong trường hợp hóa chất bắn vào miệng, xử lí như sau:

- Với acid: Súc miệng nhiều lần bằng dung dịch natri bicarbonat 1%.

- Với kiềm: Súc miệng nhiều lần bằng dung dịch acid boric 1%.

- Với các hóa chất khác: Súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh.

5. Điện giật

Đầu tiên cần ngắt hết cầu dao điện ở phòng thí nghiệm. Sau đó nới rộng quần áo nạn nhân rồi tiến hành hô hấp nhân tạo trong khi chuyển đến bệnh viện.

B. Cứu hỏa

1. Ngọn lửa nhỏ

   Dập tắt bằng khăn ướt, vải bố thủy tinh hoặc cát.

2. Lửa lan rộng

   Dùng bình chữa cháy CO2: lật ngược bình, xịt vào gốc ngọn lửa.

3. Lửa bén vào quần áo

   Nếu cháy trên diện tích nhỏ thì dùng giẻ lau hoặc nước để dập tắt. Nếu cháy trên diện tích lớn, nạn nhân lăn dưới đất, những người khác lấy vải bố thủy tinh trùm lên chỗ cháy và ép sát cho đến khi tắt lửa. Nạn nhân không chạy, không đi ra chỗ gió. Tuyệt đối không dùng bình chữa cháy phun vào người đang bị cháy quần áo mà phải dùng nước hoặc trùm kín bằng chăn.

 

 

Khoa Dược

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,671,216       1/670